Thứ hai, 29/04/2024
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ KHÁNH HÒA

Theo dòng lịch sử

Xã Khánh Hòa ở phía Tây - Bắc huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Phía Bắc giáp xã Khánh Phú, phía Tây giáp xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Phía Đông giáp xã Khánh An. Phía Nam giáp sông Vạc. Khánh Hòa có quốc lộ số 10 chạy qua. Xã Khánh Hòa có 10 xóm với 7.147 nhân khẩu. Diện tích tự nhiên 599,23ha, (trong đó: đất canh tác có 393,53 ha, gồm: đất trồng lúa, trồng màu 279,10 ha; đất chuyên trồng cây màu 83,83 ha; đất trồng cây lâu năm 10,8 ha; đất nuôi thuỷ sản 15,66 ha, còn lại là thổ canh và vườn tạp. Khánh Hòa là xã thuần nông, cây trồng chủ yếu là lúa, lạc, đậu tương, ngô. Chăn nuôi chủ yếu là gia súc, gia cầm. Một số hộ gia đình chăn nuôi những con có giá trị kinh tế cao như rắn, ba ba, bò lai sin khá sớm. Cùng với nghề nông trồng lúa nước, người dân Khánh Hòa có nghề truyền thống lâu đời: nghề mây tre đan.

Từ thời Trần trở về trước xã Khánh Hòa (hiện nay) gồm 2 xã Hương Du và Phương Du thuộc huyện Yên Ninh, Phủ Trường Yên. Năm Kiến Phúc (1884) đời vua Nguyễn Giản Tông, xã Hương Du đổi thành xã Yên Khang.

Lễ hội truyền thống chùa dầu và bảy đền, đền Đông, đền Thượng, đền Xuân, đền Rậm, đền Đỏ, đền Trung, đền Khoai.

Khánh Hòa vùng đất có nét văn hoá truyền thống độc đáo, phát triển khá sớm, phong phú, đa dạng, nhiều công trình văn hoá mang đậm sắc thái riêng. Xã Khánh Hòa có 2 ngôi chùa, chùa Dầu( ) - Linh Nha Tự và chùa Dê, 2 ngôi đình, 7 ngôi đền và một số điếm thờ thần, thổ địa. Một bộ phận nhân dân theo đạo Phật còn lại đại đa số theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, ông bà.

Chùa Dầu được xây dựng từ thời Lý, toạ lạc trên khu đất của xóm Chùa ở trung tâm xã. Chùa thờ Hoàng Tử Ngự Câu Vương và chị gái là Công chúa Huyền Tư (Hoàng Tử Ngự Câu Vương và Công chúa Huyền Tư đã tu hành ở chùa này).

Lý  Triều nhi khởi, Trần Triều nhi hưng vạn cổ danh lam

Cửa giữa Tam quan Chùa Dầu có câu đối:

Thiên trụ dễ duy, địa trục dĩ lập, thiên niên thắng tích.

(Thời Lý dựng lên, thời Trần hưng thịnh muôn thủa chùa này.

 Cột trời đã vững, trụ đá đã bền, ngàn thu cảnh ấy).

Hội Đồng Nỉ 60 năm mới mở 1 kỳ. Các giao ước, lệ tự có 9 xã tham gia. Nhiều gia đình nêu cao đạo nghĩa giữ gìn nếp sống gia phong được dân làng quý trọng, tạo nên nét đẹp truyền thống của Phương Du và Yên Khang.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (năm 1285), vua Trần lui quân về Ninh Bình xây dựng căn cứ kháng chiến đã lệnh cho Hoàng tử Ngự Câu Vương đem quân đến miền duyên hải phía đông nam Ninh Bình lập căn cứ chấn giữ bảo vệ Hành cung Vũ Lâm - hậu cứ chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trên đường thị sát địa hình lập căn cứ khi đến 2 xã Phương Du và Hương Du( ) thuộc tổng Yên Vệ, thấy địa thế khu Mả Lăng thuận lợi cho việc bố trí lực lượng xây dựng hệ thống phòng ngự, Hoàng tử Ngự Câu Vương chọn nơi đây làm đại bản doanh. Tại đây Hoàng tử chiêu tập hiền tài, tuyển quân xây dựng đồn luỹ, tích trữ lương thảo, luyện tập quân sỹ phòng thủ bảo vệ phía đông nam Hành cung Vũ Lâm. Hưởng ứng tinh thần “Sát thát” của vua tôi nhà Trần, nhân dân Hương Du, Phương Du tích cực ủng hộ đội quân do Hoàng tử Ngự Câu Vương chỉ huy, góp phần đánh thắng quân Mông - Nguyên do Toa Đô chỉ huy (ngày 7/6/1285) tại phủ Tràng An.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Với bản chất yếu hèn bạc nhược, nhà Nguyễn để đất nước ta từng bước rơi vào tay giặc. Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm Ninh Bình lần thứ nhất, năm 1883, chúng đánh chiếm Ninh Bình lần thứ hai. Sau khi chiếm được Ninh Bình, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị, tiến hành áp bức bóc lột nhân dân ta để phục vụ cho cuộc chiến tranh.

Trước năm 1945 sự áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai làm cho nhân dân Phương Du, Yên Khang uất hận căm thù, âm ỉ ngọn lửa đấu tranh chờ thời cơ vùng lên tiêu diệt quân thù.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khánh Hòa là khu du kích nổi danh phá tề, diệt ác, chiến đấu oanh liệt, giữ đất, giữ làng. Nhiều chiến sỹ du kích dũng cảm chiến đấu tiêu diệt địch góp phần giành độc lập dân tộc.

Ngày 2/9/1945, nhân dân Phương Du, Yên Khang hướng về Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính quyền lâm thời trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào trong nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập...

Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, là sức mạnh của lòng yêu nước khát khao cuộc sống độc lập tự do của nhân dân ta. Từ đây, nhân dân Phương Du, Yên Khang làm chủ trên mảnh đất của mình, làm chủ nước nhà, hết cảnh nô lệ lầm than, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Khánh Hòa hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa bằng một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện. Việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của huyện ủy về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tốt với nhiều khâu đột phá. Công tác kiểm tra, giám sát trong đảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung thực hiện quyết liệt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng cao. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo được củng cố vững chắc.

Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trải qua một quá trình bền bỉ phấn đấu, đến nay phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm, đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác phòng chống dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,26%...

Với những thành tích đã đạt được, Khánh Hòa vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1.105 Huân, Huy chương các loại cho các gia đình và cá nhân có thành tích trong kháng chiến (Huân chương kháng chiến chống Mỹ có 238, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang có 365, Huân chương Chiến công có 354, Huy chương kháng chiến chống Pháp có 38, chống Mỹ có 77, Huân chương chiến sĩ giải phóng 33 chiếc).

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?