Thứ ba, 28/01/2025
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ KHÁNH HÒA

Đối thoại với hộ nghèo: "Con đường" đưa chính sách vào cuộc sống

Thứ hai, 07/09/2020 402

Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người nghèo, cận nghèo là một hoạt động được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai trong vài năm trở lại đây đang ngày càng thể hiện rõ sự thiết thực, hiệu quả. Tại các cuộc tiếp xúc, không chỉ được cung cấp thông tin về các chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính sách đặc thù của tỉnh về công tác xóa đói giảm nghèo, người nghèo, cận nghèo còn được bày tỏ khát vọng, được chia sẻ những mô hình phát triển kinh tế phù hợp… để có thêm động lực, nguồn lực vươn lên.

Đối thoại với hộ nghèo:

Mô hình nuôi thỏ New Zealand của nông dân xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Lần thứ 3 tham gia vào chương trình đối thoại giữa người nghèo, cận nghèo với các ngành chức năng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, chị Nguyễn Thị Thoa có tâm trạng hứng khởi hơn. Chị Thoa lập gia đình được 7 năm thì có tới 4 năm gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Tại sao còn trẻ mà vẫn nghèo, thậm chí nghèo lâu năm? Mang câu hỏi ấy, chúng tôi về thăm gia đình chị ở thôn Tiền Phương, xã Văn Phương (huyện Nho Quan).

Đón chúng tôi là hai vợ chồng trẻ và 4 đứa con còn nhỏ. Ngôi nhà nhỏ không thể đơn sơ hơn nhưng khá ngăn nắp, chỉn chu nhờ đôi bàn tay đảm đang của người phụ nữ. Khẽ nén tiếng thở dài, chị Thoa lý giải cho chúng tôi nghe vì sao bao nhiêu năm cố gắng, chị vẫn chưa ra khỏi được danh sách nghèo. Vợ chồng chị Thoa ở với mẹ chồng. Mẹ chồng chị bị bệnh nan y, nằm viện còn nhiều hơn ở nhà. Chị Thoa vừa chăm sóc mẹ chồng, vừa chăm lo cho 4 đứa con nhỏ, lúc rảnh ai thuê gì chị làm nấy. Chồng chị làm phụ hồ cho một nhóm thợ xây. Công việc vất vả, thu nhập thấp, song cả hai vợ chồng đều gắng tằn tiện để lo cho mẹ và các con. 

"Năm 2017, mẹ chồng tôi qua đời. Năm sau đó, chồng tôi liên tiếp bị tai nạn lao động, rồi tai nạn giao thông khiến sức khỏe giảm sút, không thể làm được việc nặng. Cả gia đình trông chờ vào khoản tiền ít ỏi, bấp bênh từ việc làm thuê của tôi. Gia đình cứ liên tiếp "rơi" vào danh sách hộ nghèo là vì thế"- chị Thoa chia sẻ.

Năm nay, khi các con đã lớn hơn, chồng cũng đã khỏe mạnh hơn, chị Thoa thêm động lực để đặt quyết tâm sẽ thoát nghèo vào cuối năm 2021. Để thực hiện được mục tiêu đó, chị tham gia buổi đối thoại nhằm chia sẻ nguyện vọng được vay vốn để chăn nuôi, phát triển kinh tế cho gia đình. Tại buổi đối thoại, không những được khích lệ, động viên, nghe chia sẻ những mô hình kinh tế hiệu quả, chị Thoa còn được đại diện ngành chức năng hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện các thủ tục tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người nghèo, cận nghèo quan tâm, tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, từ đó tiếp cận với các chính sách phù hợp để vươn lên thoát nghèo. Các hộ nghèo khi đến với cuộc đối thoại đều bày tỏ quyết tâm thoát nghèo. Đồng thời, họ cũng mong muốn được tạo "lực đẩy" bằng những chính sách phù hợp với điều kiện của gia đình như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ khám chữa bệnh; mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH... 

Với mỗi câu hỏi cụ thể, người nghèo, cận nghèo đều được đại diện các cơ quan, ban, ngành chức năng trả lời cụ thể, thỏa đáng. Không những được cung cấp những thông tin cần thiết, mà qua các buổi tiếp xúc trực tiếp, các hộ nghèo đều cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các ngành chức năng đối với hoàn cảnh của mỗi người. Mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh, một lý do để khó thoát được nghèo, song người nghèo đều đã thể hiện được khát vọng, quyết tâm thoát nghèo. Sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức của người nghèo, cận nghèo đã cho thấy hiệu quả của chương trình đối thoại do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hàng năm này.

Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo là một hoạt động được tỉnh Ninh Bình thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Chương trình được tổ chức trước khi diễn ra các cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm với mục đích hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo… từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, đúng trọng tâm, trọng điểm. 

Qua phân tích số liệu rà soát kết hợp với các buổi tiếp xúc trực tiếp cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là hộ có người ốm đau nặng dài ngày, do thiếu lao động, thiếu vốn, phương tiện sản xuất; do thiếu kiến thức làm kinh tế... Từ các buổi tiếp xúc, các ngành chức năng nắm được những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, từ đó có những kiến nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người nghèo, cận nghèo sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng triển khai các hình thức hỗ trợ cho phù hợp, hiệu quả, thực sự tạo được "đòn bẩy" giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Theo Baoninhbinh.org.vn

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?