Thứ năm, 21/11/2024
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ KHÁNH HÒA

Sản xuất hữu cơ - hướng đi bền vững cho lúa gạo Kim Sơn

Thứ tư, 03/11/2021 434

Là nơi phù sa bồi đắp, đất đai mầu mỡ, Kim Sơn xưa kia cùng với huyện Hải Hậu (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) là những đơn vị đầu tiên của cả nước đạt năng suất của lúa 5 tấn/ha.

Ngày nay, cùng với việc đưa nhiều giống lúa ngon, chất lượng, đặc sản vào gieo cấy, những người nông dân nơi đây còn đang dần chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa vô cơ sang hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

 

 Sản xuất hữu cơ - hướng đi bền vững cho lúa gạo Kim Sơn

Nông dân xã Quang Thiện phấn khởi bên ruộng lúa nếp Cau sản xuất theo hướng hữu cơ bội thu.

Cánh đồng Phúc Điền (đội sản xuất xóm 2, xóm 5, HTX Nông nghiệp Đông Thiện, xã Quang Thiện) một ngày cuối tháng 10, những vạt lúa nếp Cau sắp đến độ thu hoạch, bông lúa xếp hạt căng tròn, nặng trĩu, ngả màu cau khô. 

Ông Trần Văn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Thiện giới thiệu với chúng tôi: Đây là 10 ha nếp Cau đầu tiên HTX thí điểm sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng "5 không" theo đúng sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm. Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV hóa học; không nước tưới ô nhiễm; không chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen; không dư lượng hóa chất độc hại. 

Quá trình triển khai cho thấy, cây lúa được canh tác theo phương pháp mới, thân, lá chắc khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, bông dài, hạt nhiều và chắc mẩy… Có thể nói, sau những băn khoăn, lo lắng ban đầu, đến giờ này, hoàn toàn có thể khẳng định đây là một vụ sản xuất thắng lợi không chỉ về năng suất, giá trị mà lúa hưu cơ còn đem lại nhiều lợi ích vô hình khác về sức khỏe, môi trường…

Là một trong 48 hộ dân tham gia mô hình, ông Vũ Quang Sản (xóm 2, Quang Thiện) không giấu được niềm vui: "Ban đầu, khi nghe các cán bộ quán triệt quy trình kỹ thuật, bà con chúng tôi cũng băn khoăn, lo lắng lắm. 

Bởi cỏ dại và ốc bươu vàng - những "kẻ thù" buộc phải sử dụng thuốc BVTV để đối phó, nay không cho dùng thì sẽ ra sao? Nhưng khi làm mô hình, bằng biện pháp điều tiết nước hợp lý, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý đồng ruộng, thuốc BVTV vi sinh đã không chỉ ngăn được cỏ dại mà còn có thể chống được các loài sâu bọ gây hại. 

Đặc biệt, trong đợt mưa bão số 7, 8 vừa qua, nhờ bón phân hữu cơ nên lúa cứng cây, rễ bám chắc, không hề bị ngã đổ. Nếu cấy lúa bằng phân bón hóa học trên những chân ruộng này chắc chắn giờ lúa đổ ngã nằm sát đất rồi."

Ông Vũ Văn Thông - một thành viên khác  tham gia mô hình tính toán: Tôi đếm rồi, đám lúa này mỗi bông phải được hơn 200 hạt (lúa thường chỉ 150 hạt/bông), như vậy năng suất ít nhất cũng phải đạt 1,7-1,8 tạ/sào. Chưa kể, giá bán lúa thường chỉ đạt tầm 850 - 900 nghìn đồng/tạ, còn lúa nếp hạt Cau cấy theo hướng hữu cơ bán ít nhất 1,2-1,3 triệu đồng/tạ. Như vậy là nông dân dân chúng tôi thắng to rồi. Đáng mừng hơn cả là việc sản xuất theo hướng hữu cơ đang giúp môi trường sinh thái dần được cải thiện, tôm, cua đã xuất hiện nhiều hơn".

Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Quang Thiện, ông Trần Thanh Chinh cho biết: Người dân địa phương gần đây cũng đã cảm nhận được nguy cơ của việc lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng, nên việc triển khai mô hình được hầu hết bà con đồng tình hưởng ứng. 

Từ sự hỗ trợ ban đầu của các cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp và PTNT đã giúp các hộ hiểu rõ những khâu kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ khác với sản xuất đại trà như thế nào. Trong các vụ tiếp theo chúng tôi sẽ chỉ đạo, tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân thực hiện mô hình canh tác ưu việt này, thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa bảo đảm giá trị bền vững.

Khoảng 5 năm gần đây, xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao tăng mạnh, nhất là các vùng đô thị. Là huyện ven biển, đất đai màu mỡ, nổi tiếng là xứ gạo ngon, Kim Sơn đã kịp thời chớp lấy thời cơ này để mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, đặc sản của địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Trong tổng diện tích gieo cấy hàng năm của huyện trên 16 nghìn ha thì diện tích lúa chất lượng cao chiếm tới khoảng 11 nghìn ha. Chủ yếu là các giống: Nếp Cau, nếp cái Hoa vàng, Tám, Dự, ST25, Bắc Thơm số 7, LT2,…

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Muốn chinh phục thị trường tiêu dùng khó tính hiện nay, không chỉ yêu cầu ngon mà còn phải đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm nên sản xuất theo hướng hữu cơ là hướng đi tất yếu cho lúa gạo Kim Sơn. 

Thành công của mô hình sản xuất lúa nếp Cau theo hướng hữu cơ ở xã Quang Thiện là cơ sở để huyện từng bước nhân rộng ra đơn vị khác trong huyện. Để khuyến khích, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đồng thời, xúc tiến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm lúa gạo hữu cơ, đặc sản của địa phương. 

Lúa là loại cây trồng then chốt của huyện Kim Sơn, thiết nghĩ nếu địa phương quan tâm đầu tư thích đáng, có cách làm phù hợp sẽ góp phần nhanh chóng nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?