Giảm nghèo về thông tin
Trước đây, khi nói đến sự nghèo thường chỉ quan niệm đơn thuần là thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu những điều kiện sống tối thiểu. Phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều này không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Từ đó, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ra đời đã bao quát đầy đủ, chính xác hơn về sự nghèo. Các tiêu chí nghèo đa chiều ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Mức thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống (nước sạch và vệ sinh), tiếp cận thông tin.
Ai cũng biết rằng, con người muốn tồn tại trước hết phải bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, sức khỏe, vì vậy mục tiêu giảm nghèo cũng phải hướng đến giải quyết những nhu cầu căn bản đó. Nhưng đối với bộ phận cư dân nghèo hiện nay, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phải làm sao lý giải cho họ căn nguyên của “cái nghèo luẩn quẩn” mới là điều đáng quan tâm. Nếu những người dân nghèo được “khơi thông” tư tưởng là không dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chủ động vượt khó, dám nghĩ, dám làm, biết làm và quyết chí đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình thì nhất định họ sẽ từng bước làm chủ được cuộc sống của mình. Muốn vậy, phải tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để góp phần thúc giục những người dân nghèo bớt… nghèo.
Với ý nghĩa đó, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 06/2017 hướng dẫn thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Việc giảm nghèo về thông tin thực chất là tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nghèo được tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo và những quyền lợi gắn bó thiết thân với cuộc sống của bà con. Đây cũng là cơ hội để người dân nghèo được học tập, nắm bắt những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhằm ứng dụng vào cuộc sống, lao động, sản xuất để góp phần làm giàu giá trị tri thức, văn hóa, kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo Ủy ban Dân tộc, tính đến tháng 5-2017, cả nước có 1.928 xã đặc biệt khó khăn và 211 xã biên giới, an toàn khu. Các xã này có đặc điểm chung là giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội hạn chế và trình độ dân trí thấp, nhiều nơi có địa hình sông núi chia cắt, khí hậu khắc nghiệt. Những địa phương này không chỉ là những “vùng trũng” về phát triển kinh tế-xã hội, mà cũng là những nơi “thiếu đói” về thông tin. Vì vậy, việc làm cần kíp hiện nay là cùng với chăm lo hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để người dân từng bước giảm nghèo về vật chất, các địa phương có xã nghèo cần phải có những việc làm thiết thực hơn nữa để bà con được tiếp cận, hưởng thụ thông tin.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 19-4-2016 về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc làm này đã phần nào giúp cán bộ, đảng viên và người dân ở các địa phương nghèo có thêm kênh thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, để thông tin sớm “phủ sóng” nhanh nhạy đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường bố trí hệ thống loa đài truyền thanh và xây dựng các điểm truy cập internet công cộng ở địa bàn thôn, xã; hỗ trợ một phần kinh phí (hoặc cấp miễn phí) các phương tiện thông tin đại chúng như ra-đi-ô, ti vi, máy vi tính... cho các hộ dân nghèo. Những phương tiện này nếu được hỗ trợ đúng đối tượng, khai thác đúng lúc, đúng chỗ sẽ phát huy tác dụng, hiệu quả to lớn trong việc đẩy lùi “nghèo đói” về thông tin cho người dân.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?