Thứ năm, 21/11/2024
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ KHÁNH HÒA

TÁC HẠI THUỐC LÁ

Thứ tư, 23/08/2023 325

Bài 1- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh và tử vong của rất nhiều bệnh. Cứ 6 giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá;  Hút 1 điếu thuốc lá giảm 5,5 phút tuổi thọ; Không những thế, những bệnh liên quan đến thuốc lá còn làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn nhiều năm trước khi chết do nó hạn chế các hoạt động do mệt mỏi, khó thở khi hoạt động, vui chơi. Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
          Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, tuy nhiên còn chưa cụ thể và đầy đủ.Qua phân tích cho thấy, trong khói thuốc lá chứa 7000 hoá chất, trong đó có 69 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotin, chất gây nghiện, chất gây độc tế bào, đột biến gen... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Khi hút thuốc lá một số hoạt chất tác động trực tiếp trên niêm mạc đường hô hấp, phần lớn các chất trong khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:

 - Bệnh tim mạch chiếm hàng đầu trong các bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, giảm trí nhớ, giảm trí thông minh và khả năng học tập...

 - Bệnh ung thư: Chủ yếu là ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), nguy cơ bị ung thư phổi liên quân đến số lượng và thời gian hút thuốc, ung thư vòm họng, miệng, thực quản, ung thư ruột...Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.

- Bệnh hô hấp: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khói thuốc kích thích chất đọng trong niêm mạc khí phế quản có thể làm khởi phát cơn hen ở người bị hen.
  - Bệnh răng và lợi: Viêm loét, cao răng, các mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn.

Các bệnh khác: Tăng nguy cơ loãng xương, tăng nguy cơ bất lực ở nam giới, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh.: Tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú ở nữ giới, dị dạng thai nhi, thai thiếu cân ở phụ nữ mang thai. Hút thuốc làm tổn thương tế bào võng mô và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa võng mô do tuổi tác. Hút thuốc còn gây ra chứng đục thủy tinh thể.

  Vì sức khỏe của chính bạn và cộng đồng – Hãy nói không với thuốc lá!

 

 

Bài 2: Tác hại hút thuốc lá thụ động

 

Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, và nhiều chất gây ra những căn bệnh nguy hiểm điển hình như: ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính, vô sinh và nhiều bệnh nan y khác. Mỗi năm sẽ có khoảng 40.000 người Việt Nam chết có nguyên nhân từ thuốc lá. Ước tính tới năm 2020 số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, Lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại. Cứ 6 người chết sẽ có 1 người do thuốc lá. Khoảng 7,5 triệu người Việt Nam sẽ chết sớm do hút thuốc lá.

Người trực tiếp hút thuốc lá, hay gọi hút thuốc chủ động nguy cơ cao mắc các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, phổi… Tuy nhiên đối với người không hút thuốc hay gọi là hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân do khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó có khoảng 250 chất gây ung thư hay chất độc hại.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp…

Phụ nữ và trẻ em là một trong hai đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Đối với phụ nữ khi mang thai việc hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc đẻ non. Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp ba lần so với phụ nữ không hút thuốc. Đối với trẻ em hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 đến 400 gram. Mặt khác trẻ hút thuốc thụ động sẽ kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

  Vì sức khỏe của chính bạn và cộng đồng – Hãy nói không với thuốc lá!

 

 

 

 

Bài 3: Thành phần và độc tính của khói thuốc lá 

 

      Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tỉ lệ người dân sử dụng thuốc lá còn khá cao và đang có xu hướng tăng lên, chủ yếu là ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do thiếu hiểu biết về tác hại nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

       Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 69 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, chia ra làm 4 nhóm chính:

  1. Nicotine (Ni-cô-tin)Ni-cô-tin là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Ni-cô-tin được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg ni-cô-tin mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa ni-cô-tin một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào. Tác dụng gây nghiện của ni-cô-tin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương, chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn.
  2. Monoxit carbon (khí CO):

          Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của O2 (ô-xi) trên hồng cầu. Và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển ô-xy vì đã gắn kết với CO, đây là nguyên nhân gây lên một số bệnh phổi mạn tính như: Hen phế quản, viêm phế quản, giản phế quản… Hậu quả là cơ thể không đủ ô-xy để sử dụng.

3Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá:

       Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

  1. Các chất gây ung thư:

         Trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư, các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

        Để góp phần nâng cao chất lượng sống, mỗi chúng ta hãy tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà, nơi làm việc và những nơi công cộng bị cấm hút thuốc lá; đồng thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc hút thuốc lá ở những nơi có trẻ em, phụ nữ mang thai và người già./.

 

Bài 4- Tổn thất kinh tế của việc hút thuốc lá 

 

            Hút thuốc lá không chỉ làm tổn hại tới sức khỏe của người sử dụng, mà kéo theo nó là những hệ lụy: làm tăng gánh nặng kinh tế đối với các quốc gia, tổn hao kinh tế đối với gia đình. Khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các nghiên cứu về thuốc lá cho thấy, sử dụng thuốc lá gây ra chi phí chăm sóc y tế khổng lồ cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.

Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỉ đô la Mỹ. Theo ước tính, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%.

Thuốc lá gây tổn hại kinh tế cho gia đình

Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia như tăng chi phí y tế chữa bệnh do hút thuốc gây ra, giảm năng suất lao động, gây cháy nổ, hủy hoại môi trường…, hút thuốc còn gây lãng phí đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các hộ gia đình.  Bên cạnh đó, việc tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá làm giảm sức lao động và tổn thất đến năng suất lao động. Hơn nữa, người hút thuốc và xã hội còn phải gánh chịu những chi phí do khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Năm 2012, người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 22 nghìn tỉ đồng. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỉ đồng một năm.

Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một cuộc điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá.

Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc trả tiền học cho con em mình.

Vì những tác hại khôn lường của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe và tổn thất về kinh tế, mỗi cá nhân và cộng đồng hãy từ bỏ hút thuốc lá./.

 

 

 

Bài 5 - Những địa điểm cấm hút thuốc lá

 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất thế giới. Để đấu tranh chống lại khói thuốc lá, Chính phủ đã xây dựng một hành lang pháp lý và sau đây là những quy định quan trọng nhất.

 

Những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên

Theo điều 11 của luật Phòng chống tác hại của thuốc lá,

Có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên:

- Bệnh viện, trạm y tế;

- Trường học, trừ trường cao đẳng, học viện;

- Nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

- Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà

Có 03 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm:

- Cơ quan, công sở, nơi làm việc;

- Trường cao đẳng, đại học, học viện

- Địa điểm công cộng (là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người).

Đồng thời, Luật cũng cấm hoàn toàn đối với những phương tiện giao thông công cộng, bao gồm: ô tô, tàu bay, tàu điện.

Những địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

– Khu vực cách ly của sân bay;

– Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;

– Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Tuy nhiên, nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

– Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;

– Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

 

Theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại điểm a khoản 1 điều 23 có quy định rõ: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm nêu trên bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.

Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với người bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Riêng hút thuốc lá trên máy bay sẽ áp dụng mức phạt theo quy định của Nghị định 147/2013/NĐ-CP. Người hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử trên máy bay sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Nghĩa vụ của người hút thuốc lá

Người hút thuốc lá Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Để góp phần giảm đối tượng và mức độ sử dụng thuốc lá, từ đó đẩy lùi tác hại của thuốc lá, theo Chương trình sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1092/QĐ-TTg vừa qua, sắp tới sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay là 70%, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng mức thuế này lên 75% vào năm 2019 và 80% vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 85% vào năm 2021. Khi thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tăng, giá bán lẻ thuốc lá cũng sẽ tăng lên là điều đương nhiên./.

 

 

 

 

 

Bài 6: Quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá: Điều 6, 7, 9

 

Ngày 18/6/2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Luật PCTH thuốc lá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Dưới đây là điều 6, 7, 9 của Luật về môi trường không khói thuốc.

Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá:

  1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
  2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.
  3. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

  1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
  2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
  3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.
  4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
  5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
  2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
  3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
  4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
  5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
  6. 6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
  7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
  8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
  9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Ninh Bình

 

 

Bài 7: Một số quy định cơ bản của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

về môi trường không khói thuốc.

Xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến thuốc lá, qua đó tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ hạn chế các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc… giảm bớt chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm bớt mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như: thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa…

Môi trường làm việc không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự, nêu cao tinh thần giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh không thuốc lá.

  Tại điều 11 và 12 của Luật đã qui định cụ thể về môi trường không khói thuốc với các nội dung:

  1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; Cơ sở giáo dục từ trung học chuyên nghiệp trở xuống.
  2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.
  3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
  4. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
  5. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
  6. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

        Tham gia phòng chống tác hại của thuốc lá là việc làm thiết thực thể hiện nếp sống văn minh. Cộng đồng hãy chung tay xây dựng một môi trường không khói thuốc, vì lợi ích của chính chúng ta!

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình

Bài 8 -  Nghĩa vụ của người hút thuốc lá và Quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định:

 

Điều 13. Nghĩa vụ của người hút thuốc lá

  1. Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
  2. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
  3. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

 Điều 14. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá

  1. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:
  2. a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
  3. b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;
  4. c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.
  5. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:
  6. a) Thực hiện quy định tại Điều 6 của Luật này bao gồm;

– Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

– Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.

– Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

  1. b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

 

 

Bài 9 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá trong lĩnh vực y tế

 

Nghị định số 176/2013/NĐ – CP ngày 14/11/2013 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các hành vi liên quan đến vấn đề về phòng chống tác hại của thuốc lá. Cụ thể như sau:

Điều 23: Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá

  1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  2. a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
  3. b) Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
  4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  5. a) Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá;
  6. b) Không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình;
  7. c) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
  8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
  9. a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
  10. b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;
  11. c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
  12. d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy”.

Điều 27:  Vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá

  1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khuyến khích, vận động người khác sử dụng thuốc lá.
  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  3. a) Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;
  4. b) Ép buộc người khác sử dụng thuốc lá;
  5. c) Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
  6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  7. a) Sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng thuốc lá với sản phẩm, dịch vụ khác;
  8. b) Tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;
  9. c) Chậm nộp khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật;
  10. d) Khai sai dẫn đến nộp thiếu khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
  11. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  12. a) Thực hiện hoạt động tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật;
  13. b) Trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
  14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
  15. a) Buộc thu hồi sản phẩm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này;
  16. b) Buộc hoàn trả số tiền lãi đối với khoản chênh lệch do kê khai sai hoặc khoản tiền nộp chậm đối với hành vi quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 3 Điều này;
  17. c) Buộc hoàn trả số tiền do trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này”.

                                           Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình

 

 

 

Bài 10: Lợi ích của xây dựng môi trường không khói thuốc lá

 

Khói thuốc lá chứa 7.000 chất hoá học trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể. Tại Việt Nam tỷ lệ người không hút thuốc phơi nhiễm khói thuốc lá tại nhà khoảng 33 triệu người; người không hút thuốc phơi nhiễm khói thuốc tại nơi làm việc khoảng 5 triệu người. Do vậy, xây dựng môi trường không khói thuốc lá sẽ đạt được những lợi ích sau:

Môi trường không khói thuốc sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Môi trường không khói thuốc lá là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc.

Môi trường không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá.

Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như: thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa …

Môi trường không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, … Giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Môi trường không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự bởi hút thuốc không phải là văn hóa và hành động đẹp trước mắt mọi người xung quanh.

Để phòng, chống tác hại của khói thuốc lá và các bệnh liên quan đến khói thuốc lá tốt nhất là thực hiện môi trường không có khói thuốc lá.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình

 

 

Bài 11: Tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá

 

Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm như: ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người đã quá rõ ràng. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc còn gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng, hiệu quả công việc và sức khỏe của người xung quanh.

Do đó, Ban phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tích cực chỉ đạo các sở ban ngành, tổ chức đoàn thể, các cơ quan đơn vị tổ chức xây dựng và thực hiện nghiêm mô hình“Môi trường làm việc không khói thuốc lá” nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động cũng như xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh nơi công sở.

Tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá

  1. Có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người trong cơ quan.
  2. Có treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác trong cơ quan có quy định cấm hút thuốc lá. Biển báo cấm hút thuốc cần rõ ràng, được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát.
  3. Có kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá hàng năm. Có quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.
  4. Có tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.
  5. Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên cơ quan.
  6. Không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong phòng họp, phòng làm việc…(khuyến khích).
  7. Không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.
  8. Đưa nội dung không hút thuốc lá nơi làm việc vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (khuyến khích).
  9. Không có hiện tượng hút thuốc, đầu mẩu thuốc lá tại các khu vực cấm hút thuốc của cơ quan, đơn vị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình

 

 

 

Bài 12: Những điều cần biết về thuốc lá điện tử

Gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên,  học sinh hút thuốc lá đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân các em, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và người xung quanh.Vậy thuốc lá điện tử là gì và tác hại như thế nào ?

1. Thuốc lá điện tử là gì?

Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng thường gọi là Mods, bút Vape, e-cigs,”. Hầu hết thuốc lá điện tử đều có một ống ngậm, hoặc hộp mực, một bộ làm nóng, pin sạc và mạch điện. Một điếu thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách đốt nóng dịch lỏng chứa nicotin, đây là chất gây nghiện và các sản phẩm thuốc lá khác (như chất tạo hương và các hóa chất tạo khói). Nó đem đến cảm giác tương tự như khi hít phải khói thuốc lá. Những người không hút thuốc nhưng lại đứng gần những người dùng thuốc lá điện tử cũng không may hít phải loại khói này khi người hút phả chúng vào không khí.

Khi người dùng hút sẽ có một cảm biến kích hoạt bộ làm nóng làm bay hơi dung dịch lỏng, hương vị được giữ trong ống ngậm. Sau đó, người dùng sẽ "vape" (hút bằng miệng) hoặc hít vào dung dịch khí. Hàm lượng nicotine sẽ thay đổi từ 0 đến cực cao hoặc 24 đến 36 mg/ml khí thở.

Thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá và giảm các tác hại, nhưng thực tế lại đang gây nghiện cho ngày càng nhiều người trẻ.

 Điều gì xảy ra trong cơ thể sau khi bạn hút thuốc lá điện tử?

Khi bạn đốt một điếu thuốc lá, khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất được cho là tác nhân gây ung thư. Nhưng với thuốc lá điện tử, bạn chỉ hít khoảng 4-5 chất mà thôi”

Và vấn đề được đặt ra là 4-5 chất đó là gì và có tác động như thế nào với cơ thể con người?

+ Ảnh hưởng đến miệng: 

Những người sử dụng thuốc lá điện tử thường có triệu chứng miệng khô, cổ họng ngứa và ho.Và nguyên nhân là do hấp thụ chất nicotine có thể xảy ra ở lớp lót trong của miệng hoặc đường hô hấp trên.

+ Ảnh hưởng đến phổi:

           Một trong những thành phần chính trong chất lỏng của thuốc lá điện tử thường là propylene glycol(vốn được sử dụng để tạo khói trong các rạp hát, sân khấu) và chất glycerin.

Có những lo ngại cho rằng các hạt nano nguy hiểm từ thuốc lá điện tử cho thể xâm nhập vào phổi, gây ra chứng viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.

+ Ảnh hưởng đến tim:

 Nicotine trong điếu thuốc nhanh chóng kích thích tuyến thượng thận, làm cơ thể tiết ra hormone adrenaline, hệ quả là gây tăng huyết áp và nhịp tim.

+ Ảnh hưởng đến não:

Khi nicotine đi vào não, nồng độ Dopamine- một chất truyền thần kinh tăng lên.Tuy không được coi là một chất gây ung thư, nhưng nicotine lại gây nghiện.

+ Ảnh hưởng đến Thai nhi:

Nicotin có thể gây hại cho thai nhi nếu bà mẹ hút thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai. Không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của phổi và não em bé, chất này còn khiến trẻ em sinh non, nhẹ cân và thậm chí là chết lưu.

Khi hút thuốc lá điện tử thường xuyên  có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Trong bút vape (vếp) chứa chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.

Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình

 

 

Bài 13 - Quy định về bán thuốc lá
 

          Thuốc lá là loại hàng hóa độc hại, chính vì vậy việc quản lý các địa điểm bán thuốc lá cần hết sức chặt chẽ. Tại Việt Nam, thuốc lá được trưng bày, bán lẻ ở hầu như khắp mọi nơi. Người bán thuốc lá có vai trò rất lớn trong việc giảm tình trạng hút thuốc lá tại cộng đồng thông qua thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, là một giải pháp hết sức quan trọng trong bối cảnh các bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra ngày một gia tăng. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới quý vị các quy định về bán thuốc lá

            Điều 25 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về bán thuốc lá và xử phạt hành vi vi phạm quy định về bán thuốc lá như sau:

  1. Việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

            - Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ.

            - Người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

            2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc; địa điểm công cộng (trừ khu vực cách ly của sân bay); quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu hỏa, tàu thủy.

Không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế cấp xã trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

            Quy định xử phạt khi vi phạm về bán thuốc lá

            Điều 24, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về bán thuốc lá, cụ thể như sau:

            1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

            2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

            a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

            b) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.

            3. Biện pháp khắc phục hậu quả

            Buộc thu hồi thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm b, khoản 2 của Điều này.

            Hiện nay, việc bán và mua thuốc lá quá dễ dàng đã làm tăng khả năng sử dụng thuốc lá trong thanh, thiếu niên, người có thu nhập thấp... Việc quản lý chặt chẽ bằng hình thức cấp phép, tuân thủ quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với các doanh nghiệp, đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá là hết sức cần thiết trong việc nâng cao nhận thức và phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng./.

 

Bài 14 - Những lợi ích khi cai thuốc lá

Cai thuốc lá bao giờ cũng có ích: đối với người chưa mắc bệnh liên quan đến thuốc lá, cai thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện các bệnh lý nguy hiểm này và như vậy làm giảm tỷ lệ tử vong sớm do hút thuốc lá. Còn đối với người đã có bệnh liên quan đến thuốc lá, cai thuốc lá giúp ổn định và làm chậm tiến triển các bệnh lý. Như vậy cai thuốc lá vào bất kỳ thời điểm nào cũng không được xem là “quá muộn”, tuy nhiên nếu cai thuốc lá càng sớm chừng nào thì lợi ích càng nhiều chừng ấy.

- Đối với các bệnh lý tim mạch có liên quan đến thuôc lá, cai thuốc lá có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn diễn tiến bệnh và có ích lợi tức thì. Nguy cơ bị bệnh mạch vành sẽ bắt đầu giảm ngay trong ngày thứ hai sau khi cai thuốc lá nhờ giảm rõ rệt tình trạng thiếu máu cục bộ ở cơ tim. Nếu cai thuốc lá được 1 năm, nguy cơ bị bệnh tim mạch chỉ còn phân nửa so với người hút thuốc lá và nếu cai thuốc lá được 15 năm, nguy cơ mắc bệnh sẽ trở lại như người bình thường không hút thuốc lá.

-Đối với bệnh ung thư, sau nhiều chục năm hút thuốc lá, cai thuốc lá không giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh trở lại như người bình thường. Khói thuốc lá tích lũy từ ngày này sang ngày khác đã có tác động sâu sắc lên phế quản làm biến đổi cấu trúc và gây ung thư. Tuy vậy, cai thuốc lá cũng giúp làm giảm bớt tiến triển của bệnh và nếu cai thuốc lá sớm trước tuổi 40 thì nguy cơ ung thư phổi cũng giảm đi nhiều.

- Đối với bệnh phổi, cai thuốc lá giúp làm chậm lại sự sụt giảm chức năng hô hấp và nếu bạn cai được thuốc lá sớm trước tuổi 50. Ở những người đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cai thuốc lá chính là biện pháp duy nhất có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp vốn diễn ra khá nhanh sẽ dẫn đến tàn phế hô hấp.

Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, dù đã hút thuốc lá nhiều hay ít, dù thuốc lá đã ảnh hưởng như thế nào lên sức khỏe của bạn, cai thuốc lá cũng đem lại ích lợi cho sức khỏe của bạn. Cai thuốc lá càng sớm thì ích lợi càng nhiều.

thời gian tính từ lúc bỏ thuốc

Lợi ích sức khỏe có được

Trong vòng 20 phút

Nhịp đập tim và huyết áp giảm

Sau 12 tiếng

Nồng độ CO trong máu của bạn trở về mức bình thường

Sau 2-12 tuần

Hệ tuần hoàn của bạn cải thiện và chức năng phổi trở nên tốt hơn lên

Sau 1-9 tháng

Vấn đề ho và khó thở giảm hẳn

Sau 1 năm

Nguy cơ bị bệnh tim mạch vành giảm còn 1/2 so với người hút thuốc lá

Sau 5 năm

Nguy cơ bị đột quỵ giảm như người không hút thuốc lá từ 5 đến 15 năm sau khi bỏ hút

Sau 10 năm

Nguy cơ bị ung thư phổi giảm còn 1/2 so với người hút thuốc lá và nguy cơ bị ung thư miêng, họng, thực quản, bàng quang, cổ tử cung, tuyến tụy cũng giảm

Sau 15 năm

Nguy cơ bị tim mành vành giảm ngang bằng mức của người không hút thuốc lá

 

Mọi người ở mọi lứa tuổi đã có bệnh liên quan đến thuốc lá vẫn còn có thể hưởng lợi ích từ việc cai thuốc lá

 

Thời điểm bỏ thuốc

Lợi ích so sánh với những người tiếp tục hút

Vào khoảng 30 tuổi

Kéo dài tuổi thọ thêm gần10 năm

Vào khoảng 40 tuổi

Kéo dài tuổi thọ thêm 9 năm

Vào khoảng 50 tuổi

Kéo dài tuổi thọ thêm 6 năm

Vào khoảng 60 tuổi

Kéo dài tuổi thọ thêm 3 năm

Sau khi khởi phát bệnh đe dọa đến tính mạng

Lợi ích nhanh chóng, những ai bỏ hút thuốc sau cơn đau tim tim giảm 50% nguy cơ bị một cơn đau tim khác tấn công

 

 

 

 

Bài 15- Hướng dẫn bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá có thể chỉ là thói quen, khi buồn, khi vui hoặc người khác mời thì hút và cũng có thể là tình trạng nghiện thuốc, vì trong thành phần của khói thuốc có chứa Nicotin là chất gây nghiện. Để từ bỏ thuốc lá thành công, yếu tố đầu tiên cần phải có và mang tính quyết định đó là sự quyết tâm và niềm tin sẽ bỏ được thuốc lá.

Tại sao lại phải bỏ thuốc lá?

Khi hút thuốc bạn sẽ có cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng khả năng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn… Trạng thái này do Nicotin có trong khói thuốc tác động lên hệ thần kinh tạo ra và nó chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, để luôn có được cảm giác này bạn sẽ phải hút thuốc thường xuyên. Nhưng bạn cần biết rằng trong khói thuốc còn khoảng 7000 chất hóa học khác là nguyên nhân trực tiếp gây các bệnh nguy hiểm như: các bệnh ở phổi, bệnh tim mạch, suy giảm khả năng sinh sản và đặc biệt là bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản…

Theo nhiều nghiên cứu có đến trên 90% các trường hợp ung thư phổi là xẩy ra trên những người hút thuốc. Đặc biệt là những người thân xung quanh bạn không trực tiếp hút, nhưng lại hít phải khói thuốc do bạn hút cũng sẽ có khả năng mắc tất cả các bệnh nguy hiểm trên tương tự như bạn. Nghiêm trọng hơn, nếu người hút hoặc hít phải khói thuốc là phụ nữ đang mang thai thì sẽ có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh… những tác hại này không xẩy ra ngay mà phải sau thời gian hàng chục năm và thường bắt đầu sau tuổi 40.

Cùng với việc đốt cháy cơ thể mình, hút thuốc cũng đốt của bạn không ít kinh phí, kể cả trường hợp tiền không phải là vấn đề với bạn thì sẽ thật có ích hơn khi số tiền đó được sử dụng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn xung quanh bạn. Đó còn chưa kể đến nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống, và nhất là bạn sẽ trở thành tấm gương mờ cho người thân của bạn về lối sống và nguy cơ mắc các tệ nạn khác… Nếu bạn là người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng hãy cho mình quyết tâm từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay.

Làm thế nào để bỏ thuốc lá thành công?

Nếu như hút thuốc đối với bạn mới chỉ là thói quen, việc bỏ thuốc không phải là quá khó, chỉ cần bạn có quyết tâm cao là thành công; nhưng nếu đã nghiện thì bạn cần chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo để thực hiện quyết tâm bỏ thuốc. Vì khi bắt đầu bỏ thuốc, bạn sẽ gặp phải một số dấu hiệu như: mất ngủ, giảm hưng phấn, giảm sự tập trung, bứt rứt, khó chịu, lo âu, thèm ăn…

Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì đây chỉ là các biểu hiện do “thiếu thuốc” gây ra, tình trạng này sẽ chỉ xuất hiện trong một hai tuần đầu tiên sau khi bỏ thuốc. Để vượt qua tình trạng này bạn nên chuẩn bị sẵn một số thứ để thay thế cho thuốc lá như: Hạt dưa, kẹo cao su… bạn nên uống nhiều nước; hít thở sâu; không ngồi lại bàn ăn quá lâu mà nên đi làm việc khác như đánh răng, đi bộ hoặc nói chuyện với người thân hay nhẩm bài thơ, bài hát mình yêu thích…

Trong trường hợp vượt quá sự chịu đựng của bạn, cần đến các trung tâm cai nghiện hoặc bác sỹ để được tư vấn sử dụng thuốc cai nghiện giúp bạn vượt qua giai đoạn này, không tự ý dùng bất cứ một loại thuốc cai nghiện nào. Bạn nên thông báo quyết tâm bỏ thuốc cho người thân, bạn bè biết để nhận được sự động viên, khuyến khích và ủng hộ kịp thời.

Sau khi bỏ thuốc một thời gian, có thể bạn sẽ tăng cân. Nếu như điều đó là sự phiền toái thì các lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, cùng với luyện tập thể thao sẽ giúp bạn có được vóc dáng như ý. Hãy bỏ thuốc ngay bây giờ và ngay hôm nay bởi vì các tổn thương do thuốc lá gây ra sẽ có khả năng hồi phục nếu như cơ thể bạn không còn khói thuốc. Đặc biệt khả năng hồi phục gần như hoàn toàn nếu bạn bỏ thuốc trước tuổi 40.

Bạn nên tránh sự lôi kéo việc hút thuốc của mọi người xung quanh, tích cực giao tiếp với những người có cùng quyết tâm và tìm cách giảm sức ép của công việc, đồng thời bỏ hết các vật dụng liên quan đến thuốc lá như: diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc.

Bạn cũng cần biết rằng không phải người nào cũng thành công ngay từ lần bỏ thuốc đầu tiên. Nếu bạn là một trong số đó thì cũng không nên nản chí, sự quyết tâm của bạn sẽ tăng thêm khả năng thành công từ bỏ thuốc lá vĩnh viễn trong lần sau.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình

 

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?